Tiêu dùng trong nước vẫn là 1 trong 3 động lực thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng. Hơn cả các chương trình ưu đãi, niềm tin của người mua sắm góp vai trò then chốt, giúp các giải pháp khuyến khích chi tiêu đạt kết quả.
Do vậy, song song với những chính sách an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm vững chắc, điều chỉnh chính sách lãi suất vay ngân hàng hợp lý… góp phần củng cố niềm tin của người tiêu dùng, khuyến khích chi tiêu.

Thắt chặt chi tiêu, hạn chế mua sắm những khoản lớn
Theo thống kê của Sở Công Thương thành phố Hà Nội, tổng giá trị bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong tháng 10-2024 đạt khoảng 6.358 tỷ đồng.
So với tháng trước, con số này tăng 0,27% và tăng 17,31% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng mức bán lẻ hàng hóa tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng, một phần nhờ vào nhu cầu gia tăng đáng kể đối với các sản phẩm văn hóa, giáo dục, đồ dùng gia đình.
Ngoài ra, hoạt động du lịch, lưu trú và ăn uống cũng giữ vững đà phục hồi tích cực. Trong 10 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố đạt 61.412 tỷ đồng theo giá hiện hành, tương ứng với 82,60% kế hoạch năm. Chỉ số giá tiêu dùng giảm 0,13% so với tháng trước và tăng bình quân 1,85% trong 10 tháng.
Tiến sĩ Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nhận định rằng kết quả này phản ánh những khó khăn mà nhiều hộ gia đình đang phải đối mặt khi thị trường việc làm và thu nhập vẫn chịu tác động tiêu cực từ sự phục hồi chậm và yếu của nền kinh tế. Tỷ lệ hộ gia đình gặp khó khăn về tài chính vẫn cao, dẫn đến tình trạng người dân thắt chặt chi tiêu, tăng cường tiết kiệm và trì hoãn mua sắm các mặt hàng giá trị lớn.
Theo bà Nguyễn Kiều Oanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, quý cuối cùng của năm chính là thời điểm diễn ra nhiều chương trình khuyến mãi lớn và sôi động nhất trong năm. Đây được coi là giai đoạn then chốt giúp thúc đẩy tiêu dùng và đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế chung.
Đặc biệt, việc tận dụng hiệu quả các nền tảng thương mại điện tử, kênh bán hàng đang ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu ấn tượng gần 40% trong 9 tháng so với cùng kỳ năm ngoái, sẽ góp phần kích thích tiêu dùng một cách hiệu quả hơn.

Từ góc nhìn doanh nghiệp, ông Đoàn Ngọc Duy, Giám đốc Khối Chiến lược của Công ty cổ phần Ba Huân chia sẻ rằng, trong hai tháng trở lại đây, công ty đã bắt đầu triển khai thêm kênh bán hàng qua các nền tảng thương mại điện tử nhằm đáp ứng xu thế tiêu dùng của giới trẻ.
Đây cũng là biện pháp doanh nghiệp áp dụng trong bối cảnh sức mua còn hạn chế. Bà Đoàn Trang Hà Thanh, Giám đốc Vận hành của Lazada Việt Nam, cho biết: “Những yếu tố mà người tiêu dùng quan tâm hàng đầu vẫn là mức giá, phí giao hàng và chất lượng sản phẩm. Nắm bắt được nhu cầu đó, chúng tôi đã tung ra các chương trình khuyến mãi bao gồm giảm giá, miễn phí vận chuyển, đồng thời giảm giá bán sản phẩm.”
Hiệu quả từ các chương trình kích cầu
Những tháng cuối năm, ngành Công Thương tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nhằm bám sát diễn biến thị trường, đảm bảo đủ nguồn cung cấp hàng hóa thiết yếu cho người dân, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết, tránh tình trạng thiếu hụt hay khan hàng.
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh, ngoài việc tiếp tục tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, điểm mới của chương trình khuyến mại năm 2024 là phát triển các hình thức kinh doanh đa dạng, thông minh, thích ứng với sự phát triển mạnh của thương mại điện tử, góp phần bình ổn giá cả, giữ vững thị trường, kiểm soát lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội. “Chương trình khuyến mại tập trung sẽ kết hợp hiệu quả với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và các chương trình phát triển kinh tế của thành phố.
Chương trình cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp hưởng ứng kích cầu, tiêu thụ sản phẩm và giảm lượng hàng tồn kho”, bà Nguyễn Kiều Oanh cho biết. Sở Công Thương Hà Nội chia sẻ rằng chương trình khuyến mại tập trung thành phố Hà Nội sẽ diễn ra vào tháng 5, 7 và 11-2024, thu hút từ 1.000 đến 2.000 doanh nghiệp tham gia. Dấu hiệu nhận biết chương trình sẽ được áp dụng trên toàn bộ hệ thống doanh nghiệp và các điểm bán hàng tham gia. Mức giảm giá sẽ dao động từ 30% đến 100% cho các sản phẩm đăng ký.
Bên cạnh những sự kiện chính, nhiều hoạt động hỗ trợ quảng bá thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ được tổ chức, như: Hội chợ hàng hóa, sản phẩm vì người tiêu dùng; Hội chợ nông sản thực phẩm an toàn thành phố Hà Nội năm 2024; Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố tại Hà Nội 2024; Lễ hội trái cây; Phiên chợ Việt tại các huyện và cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố năm 2024… Cùng với chuỗi chương trình khuyến mại tập trung, hoạt động xúc tiến thương mại cũng tiếp tục được triển khai nhằm hỗ trợ kết nối giao thương, quảng bá thương hiệu và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Đáng chú ý là các hoạt động liên kết vùng, đưa hàng hóa từ các địa phương về Hà Nội; phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), cùng với đó là tổ chức tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố; tổ chức khu gian hàng của thành phố Hà Nội trong chương trình kết nối giao thương doanh nghiệp sản xuất – cung ứng, xuất khẩu khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ… Thành phố tiếp tục đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển các phương thức kinh doanh hiện đại, phù hợp với nền kinh tế số; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chuỗi sản xuất và cung ứng trong nước.