Chỉ vì thói quen sử dụng đồ uống có đường, nhiều người trẻ đang tự gây ra nguy cơ tăng cân, béo phì, tiểu đường, các vấn đề về mỡ máu, bệnh tim mạch, và loãng xương.
Mặc dù vấn đề này đã được cảnh báo rất nhiều, nhưng vẫn có nhiều người không chú ý và phải chịu đựng hậu quả nặng nề do thú vui gây hại đến sức khỏe này.

Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, hai người con (một học đại học năm thứ nhất và một học lớp 10) của anh Nguyễn Minh Tân (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã tăng cân nhanh chóng. Kết quả khám sức khỏe tại trường cho thấy, cả hai đều bị thừa cân, béo phì.
Anh Tân cho biết, từ Tết đến nay, hai con của anh ăn, uống quá nhiều kẹo, bánh, mứt, nước ngọt… Thậm chí, cả hai anh em đều thường xuyên uống nước ngọt có gas. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tiêu thụ nước giải khát có đường ở Việt Nam đã tăng đáng kể qua các năm. Nếu năm 2013, mỗi người tiêu thụ hơn 35 lít thì 7 năm sau, con số này tăng lên hơn 50 lít/năm. Đáng lo ngại, các nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ của đồ uống này với nhiều bệnh nguy hiểm, làm suy giảm chất lượng cuộc sống.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Diễm, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, uống quá nhiều đồ uống có đường sẽ gây ra áp lực nặng về sức khỏe, tăng nguy cơ bị thừa cân, béo phì, nguy cơ sâu răng, đái tháo đường type 2, bệnh tim, đột quỵ và các rối loạn chuyển hóa khác… Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết tỷ lệ thừa cân, béo phì của trẻ từ 5 đến 19 tuổi ở Việt Nam tăng gấp đôi trong 10 năm qua, từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020.
Khảo sát học sinh lớp 5 tại một số quận, huyện ở Hà Nội trong năm 2023 của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy, khoảng một nửa số trẻ ở nội thành thừa cân, béo phì; tỷ lệ này ở ngoại thành là 20-31%. Cần có những biện pháp cụ thể nhằm thay đổi quan điểm và thói quen tiêu thụ đồ uống có đường hợp lý, giảm nguy cơ mắc và tử vong do các bệnh không lây nhiễm.