Khi túi phình mạch máu não bị vỡ, sẽ gây đột quỵ chảy máu não, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Bệnh nhân có thể gặp tình trạng tàn phế hoặc tử vong.

Chiều ngày 24-6, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh) thông báo đã điều trị thành công cho bệnh nhân L.T.B, 63 tuổi, cư trú tại TP Hồ Chí Minh.
Trước đó, bà B. nhập viện với các triệu chứng đau đầu dữ dội, mất ý thức và yếu nửa thân phải. Bà có tiền sử tăng huyết áp nhưng không tuân thủ điều trị thuốc đều đặn. Tại khoa Cấp cứu, kết quả CT mạch máu não cho thấy bà bị vỡ túi phình động mạch cảnh trong trái.
Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Đình Chương từ Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cho biết, trong tình trạng nguy kịch này, bệnh nhân có nguy cơ cao tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. “Các bác sĩ đã nhanh chóng thực hiện can thiệp nội mạch, ngăn chặn máu chảy vào não và tiến hành thủ thuật loại bỏ túi phình mạch não bằng hệ thống máy DSA2.
Cụ thể, họ mở đường vào mạch máu tại động mạch đùi chung bên phải, sử dụng các ống thông và vi ống thông để tiếp cận túi phình, sau đó đặt các cuộn coil (vòng xoắn kim loại) vào trong túi phình để bịt kín hoàn toàn. Sau một tiếng can thiệp, túi phình đã được tắc hoàn toàn.

Sau gần 2 tuần điều trị, bệnh nhân đã có thể tự đi lại nhẹ nhàng và không còn triệu chứng đau đầu. Kết quả chụp CT Scan kiểm tra cho thấy máu trong khoang dưới nhện đã gần như được hấp thụ hoàn toàn. Bệnh nhân sau đó xuất viện và tiếp tục trị liệu tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ.
Theo bác sĩ Phạm Đình Chương, phình mạch máu não là hiện tượng mạch máu giãn nở, tạo thành túi hoặc dạng thoi. Dưới áp lực máu, túi phình có thể lớn dần theo thời gian, gây chèn ép các mô xung quanh. Biến chứng nguy hiểm nhất của túi phình mạch máu não là khả năng vỡ, gây ra xuất huyết dưới nhện, với tỷ lệ tử vong từ 25-50%, và có thể lên tới trên 80% nếu túi phình tái vỡ.

Đột quỵ có thể xảy ra đột ngột mà không có dấu hiệu báo trước. Bác sĩ Chương khuyến nghị rằng, nếu người bệnh gặp một trong các triệu chứng như: đau đầu dữ dội bất ngờ, nôn mửa, mất tỉnh táo, yếu liệt tay chân, nói lắp, méo miệng, cần nhanh chóng nhập viện càng sớm càng tốt (trong vòng 4,5 giờ kể từ khi triệu chứng đầu tiên xuất hiện) để được các bác sĩ thăm khám, xét nghiệm cận lâm sàng, chẩn đoán và điều trị kịp thời, nhằm giảm tỷ lệ tử vong và tránh nguy cơ tàn phế.