Ẩm thực đường phố là một nếp sống văn hóa độc đáo của Hà Nội. Nhằm gìn giữ giá trị này cũng như đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, từ năm 2018, thành phố Hà Nội đã thực hiện thử nghiệm mô hình “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” tại nhiều quận, huyện.

Giữ gìn tinh hoa ẩm thực Hà Thành
Thức ăn đường phố là một phần không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực của người dân Thủ đô. Trên khắp các con phố, chúng ta dễ dàng thấy những quầy bán thức ăn đường phố với nhiều món bình dân, trong đó một số món đã nổi tiếng trên bản đồ ẩm thực toàn cầu như phở, bánh mì kẹp, nem rán, bún chả… Dù có giá rẻ và thu hút khách du lịch, nhưng thức ăn đường phố thường khó đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm do đặc điểm nơi bày bán.
Theo thống kê, hiện tại Hà Nội có gần 77.000 cơ sở kinh doanh và sản xuất thực phẩm, trong đó phần lớn là các dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố. Để quản lý tốt hơn, thành phố Hà Nội đã tập trung vào công tác thanh tra và kiểm tra các cơ sở kinh doanh. Tuy nhiên, việc này gặp nhiều khó khăn. Việc xử phạt vi phạm không dễ dàng vì người kinh doanh thường đối phó, chỉ tuân thủ khi có lực lượng kiểm tra nhưng lại tái phạm ngay khi họ rời đi.
Xuất phát từ những thách thức đó, năm 2018, thành phố Hà Nội đã thí điểm mô hình “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” tại 8 quận, huyện, gồm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Hà Đông, Long Biên, Thanh Xuân, Tây Hồ và Đan Phượng, với sự tham gia của gần 400 cơ sở dịch vụ ăn uống. Sau hơn 6 năm thực hiện, mô hình này đã mang lại những kết quả tích cực.
Sở Y tế Hà Nội, với vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm thành phố, đã xây dựng kế hoạch và triển khai nhiều hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố tại các địa phương; xác định 60 tuyến phố văn minh đảm bảo an toàn thực phẩm tại 30 quận, huyện, thị xã; duy trì 20 tuyến phố an toàn thực phẩm, dịch vụ ăn uống, và thức ăn đường phố có kiểm soát tại 16 quận, huyện, thị xã. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết công tác an toàn thực phẩm luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành và cơ quan liên quan trong công tác quản lý an toàn thực phẩm đã được thực hiện tốt. Cơ quan chức năng thành phố cũng đã duy trì phối hợp với các tỉnh lân cận trong việc kiểm soát và truy xuất nguồn gốc thực phẩm nhập về Hà Nội.
Thêm vào đó, lực lượng chức năng của các quận, huyện thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống theo phân cấp; xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm và thực hiện hậu kiểm, giám sát chặt chẽ.
Nhiều chuyển biến tích cực từ các tuyến phố ẩm thực có kiểm soát
Mô hình “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” đã giúp tăng cường vai trò và trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm, đồng thời huy động sự tham gia của các cấp, các ngành trên toàn thành phố. Mô hình này cũng nâng cao ý thức về vệ sinh và an toàn thực phẩm trong người kinh doanh và chế biến thực phẩm. Nhờ mô hình này, kiến thức thực hành của người quản lý, người kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng đều được cải thiện.
Kết quả đáng khích lệ đã được ghi nhận tại quận Long Biên, từ năm 2018 đến năm 2022, khi 6 tuyến phố tại các phường Bồ Đề, Đức Giang, Ngọc Lâm, Gia Thụy, Phúc Đồng và Việt Hưng được công nhận là “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát”. Trong năm 2023, quận đã mở rộng thêm 7 tuyến phố với 170 cơ sở kinh doanh, bao gồm các tuyến phố Lưu Khánh Đàm, Bùi Thiện Ngộ – phường Giang Biên; Hồng Tiến – phường Bồ Đề; Sài Đồng – phường Sài Đồng; Thạch Bàn – phường Thạch Bàn; Lý Sơn – phường Ngọc Thụy; và phố Trạm – phường Long Biên.
Sau hơn 6 năm triển khai, chợ ẩm thực Ngọc Lâm đã có những biến đổi đáng kể với môi trường sạch đẹp, các nhà hàng, quán ăn trở nên khang trang và lịch sự, đáp ứng các tiêu chí về an toàn thực phẩm và văn minh thương mại. Đây là một thành công lớn bởi trước đây các cửa hàng này chủ yếu hoạt động tự phát và không chú trọng đến nguồn gốc thực phẩm.
Chị Nguyễn Thanh Hà từ quận Long Biên, Hà Nội cho biết: “Việc triển khai “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” tại phường Ngọc Lâm đã mang lại cho người dân các địa chỉ sử dụng thực phẩm an toàn, đồng thời nâng cao nhận thức về sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm”. Theo chị, trước đây chị ít quan tâm đến an toàn thực phẩm khi mua thức ăn đường phố, nhưng nhận thức của người tiêu dùng hiện nay đã có sự thay đổi rõ rệt. Người tiêu dùng không chỉ chú ý đến hương vị mà còn rất quan tâm đến vấn đề vệ sinh tại các quán ăn.
Hầu hết các chủ cửa hàng kinh doanh thức ăn đường phố tại các tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát đã tự trang bị găng tay, dụng cụ gắp thức ăn để đảm bảo vệ sinh. Các cơ sở kinh doanh trên tuyến phố cũng phải ký hợp đồng với các nhà cung cấp thực phẩm để đảm bảo nguồn nguyên liệu đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm.
Để nâng cao ý thức cộng đồng, mỗi năm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thành phố Hà Nội phối hợp với các tổ chức như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân và các ban, ngành địa phương tổ chức các buổi tọa đàm, hội nghị, và tập huấn. Những hoạt động này tăng cường kiến thức cho mạng lưới hội các cấp cũng như chủ cơ sở và người tham gia chế biến thực phẩm.
Ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thành phố, nhấn mạnh rằng an toàn thực phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Ý thức và trách nhiệm của mỗi người đối với xã hội là vấn đề then chốt. Chúng ta cần tăng cường tuyên truyền và nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm cho cả người bán lẫn người mua. Người tiêu dùng nên tránh ăn uống tùy tiện và chọn các cơ sở có thương hiệu, sạch sẽ. Đồng thời, người dân cần báo cáo kịp thời cho cơ quan chức năng khi phát hiện cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố có nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm.